Việt Nam đang
hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Để thực hiện được
mục tiêu trên thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc
làm cho người lao động là việc làm quan trọng đầu tiên. Đảng và Nhà nước ta
cũng xác định công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm cho người
lao động là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước,
thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đáp ứng nguyện vọng việc làm của người lao động,
gia đình cũng như toàn xã hội.
![]() |
Chất lượng nguồn lao động và vấn đề giải quyết việc làm (Ảnh minh họa - nguồn: Internet) |
Chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến
sự phát triển kinh tế. Các quốc gia đều khẳng định điều này khi cho rằng sự
phát triển bền vững đòi hỏi phải tích lũy vốn, phát triển kỹ thuật và công nghệ.
Những yếu tố này gắn liền và phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực, khi chất
lượng lao động thấp hay vốn nhân lực ít thì việc tạo ra và thực hiện tích lũy vốn
và phát triển kỹ thuật công nghệ khó mà thực hiện được. Vì vậy chất lượng nguồn
nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, nhu cầu về nguồn lao động
chất lượng cao ngày càng tăng nhanh do nền kinh tế của đất nước tiếp tục tăng
trưởng, đồng thời xu thế hội nhập đòi hỏi khả năng cạnh tranh về lao động không
chỉ trong khu vực mà là trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu hụt lớn
nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu công việc. Hằng năm có khoảng
1,4 triệu người gia nhập thị trường lao động nhưng chỉ khoảng 27% lao động tìm
được việc làm phù hợp với công việc họ đảm nhiệm. Tính đến thời điểm 1/10/2013,
cả nước có 69,16 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 53,86 triệu người
từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động. Lực lượng lao động của cả nước bao
gồm 52,74 triệu người có việc làm và 1,12 triệu người thất nghiệp. Nhìn chung,
tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp (2,32%), số người thất nghiệp tăng 134,1 nghìn
người so với cùng kỳ năm 2012 và đến quý 3 năm 2013 là 1118,1 nghìn người[1]. Vì
vậy, Việt Nam đã và đang coi vấn đề nâng cao chất lượng lao động và tạo công
ăn, việc làm cho người lao động là trọng tâm trong các mục tiêu phát triển.
Tại Vĩnh Long trong thời gian qua, tỉnh
đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm mới cho
người lao động. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ được đẩy mạnh nên đã góp phần
quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Theo niên
giám thống kê của tỉnh Vĩnh Long, năm 2012 toàn tỉnh có 630.454 người trong độ
tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 610.489 người có việc làm, có
19.965 người thất nghiệp, chiếm 3,17% lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp ở
nông thôn là 2,90%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 4,80%. Mặc dù vậy, Vĩnh
Long vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Lao động chủ yếu làm việc trong lĩnh vực
nông nghiệp; thu nhập thấp và không thật sự ổn định; lao động chưa qua đào tạo còn
nhiều; công tác đào tạo nghề, hoạt động tư vấn việc làm, nghề nghiệp, giới thiệu
việc làm còn hạn chế; chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu
đào tạo nghề chưa hợp lý; cơ sở dữ liệu về lao động việc làm bước đầu được xây
dựng nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ;.... Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ
phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân.
Tỉnh Vĩnh Long đã
thực hiện nhiều chính sách để giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn
lao động như: Quyết định số 2612/QĐ-UBND ngày 30/11/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh
về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn
2011-2020; Quyết định số 1013/QĐ-UBND ngày 29/06/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh
Vĩnh Long về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nguồn
nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1375/QĐ-UBND ngày
28/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch phát triển và nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012-2015 và định hướng
đến năm 2020; Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Vĩnh Long về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện quy hoạch phát triển
nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1211/QĐ-UBND ngày
11/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt đề án cho vay giải
quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương, giai đoạn 2014-2015. Bên cạnh
việc triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực, tỉnh còn triển khai
các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn: Chương trình xây dựng nông
thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ
ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Thông tư số
41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Mục tiêu chiến lược
của chương trình “Xây dựng nông thôn mới” chính là việc
quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết việc làm, tăng
thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Tỉnh Vĩnh
Long đã đạt nhiều thành tựu nhất định về lĩnh vực quy hoạch nông thôn, nước sạch
nông thôn, cơ sở vật chất, văn hoá nông thôn, y tế, trường học… [2]. Để thực hiện đạt tiêu chí thu nhập
nâng cao đời sống người dân, Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa
bàn tỉnh đã tích cực vận động người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất. Trong các xã đang triển khai chương trình này, Hiếu Nhơn là
một xã nổi bật trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động
nông thôn. “Năm 2013 đến nay, Hiếu Nhơn đã giới thiệu việc làm cho hơn 1.000
lao động vào làm việc ở các khu công nghiệp. Ngoài ra, xã cũng tổ chức được nhiều
tổ sản xuất đan thảm lục bình, xếp giấy, tách vỏ hạt điều, may gia công, tạo việc
làm cho trên 700 lao động địa phương”[3].
Những
thành tựu đó cho thấy bước chuyển mình hoạt động kinh tế, xã hội được khởi tạo
bởi chính sách của nhà nước và nỗ lực của người dân. Tuy nhiên, vấn đề lao động
nông thôn, chất lượng lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông
thôn cơ bản chưa giải quyết triệt để. Trong khi Vĩnh Long vẫn là một tỉnh có cơ
cấu kinh tế nông nghiệp (giá trị sản xuất theo giá hiện hành của ngành Nông,
lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ lệ 37.06%, trong khi Công nghiệp và xây dựng
chiếm 35.95% và dịch vụ chiếm 26.99% [4]) và lực
lượng lao động trong nông nghiệp khá lớn. Theo Niên giám thống kê 2012, lực lượng
lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại thời điểm 01/7 hàng năm phân theo
thành thị và nông thôn thuộc tỉnh Vĩnh Long có tới 60.44% (525.667 người) đang
làm việc trong khu vực nông thôn và 51.90% (82.687 người) đang làm việc trong
khu vực thành thị. Cụ thể hơn, số lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp
và thuỷ sản có tới 345.514 người, chiếm 56,6%, trong khi tất cả các ngành kinh
tế khác, số lao động chỉ có 264.975 người, chiếm 43.4%[5]. Như vậy,
vấn đề chất lượng lao động nói chung, chất lượng lao động nông thôn nói riêng
cũng như vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cần phải
có sự quan tâm đầu tư thích đáng mới có thể đạt được kết quả đáng kể.
Triển khai nhiều chính sách phát triển, hỗ trợ phát triển,
song chất lượng nguồn lao động nói chung, lao động nông nghiệp nói riêng không
phải lúc nào cũng thực hiện được một cách thuận lợi và đồng bộ. Để có cơ sở lý
luận định hướng cho thực tiễn, cần thiết phải có một nghiên cứu về vấn đề này mới
có cái nhìn tổng quan nhưng rõ nét về chất lượng nguồn lao động và giải quyết
việc làm, những hạn chế cần giải quyết để nâng cao chất lượng nguồn lao động,
giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho
người dân tỉnh Vĩnh Long. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng
nguồn lao động và giải quyết việc làm ở tỉnh Vĩnh Long”. Kết
quả của đề tài giúp cho các nhà quản lý hoạch định chính sách, chiến lược
cũng như có biệp pháp phát triển hiệu quả nguồn lao động, giải quyết việc làm
và nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã
hội trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét