Viết đề cương nghiên cứu (research
proposal) là một hoạt động có tính đặc thù đối trong văn hóa học thuật của nước
Mỹ nói riêng và của khu vực bắc Mỹ nói chung. Trên thực tế, sinh viên và nghiên
cứu sinh Việt Nam ở Mỹ luôn luôn gặp khó khăn với hoạt động đòi hỏi nhiều phẩm
chất trí tuệ và kỹ năng học thuật này.
![]() |
9 cách viết đề xuất nghiên cứu khoa học hiệu quả |
Mục đích chính của một bản đề cương
nghiên cứu là thuyết phục hội đồng duyệt đề cương rằng bản đề cương hội đủ ba
phẩm chất tối cần thiết, đó là: tính mới, phương pháp nghiên cứu sắc bén, và nội
dung nghiên cứu phong phú. Nói chung, đề cương nghiên cứu cần toát lên rằng nếu
được chấp nhận, nghiên cứu này sẽ có những đóng góp đáng kể (về học thuật, ứng
dụng v.v.), góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành khoa học.
Tuy nhiên để đạt được cả ba phẩm chất
này thực sự là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần
biết một số thói quen và quy tắc bất thành văn của hoạt động xét duyệt và lựa
chọn đề cương nghiên cứu. Những thói quen trong quá trình này thường nảy sinh từ
những khó khăn của bản thân hội đồng xét duyệt, đó là làm thế nào để có thể
đánh giá đúng và lựa chọn chính xác được những bản để cương xuất sắc nhất trong
hoàn cảnh bị giới hạn về thời gian, kiến thức chuyên môn sâu, và khi nhiều
nghiên cứu có bối cảnh đặc biệt (về xã hội, học thuật v.v.) tương đối xa lạ đối
với các thành viên của hội đồng thẩm định.
Viết đề cương nghiên cứu là một nghệ thuật, và nhiều khi rất khác so với bản thân hoạt động nghiên cứu. Sau những thảo
luận và cân nhắc thận trọng, hội đồng cuối cùng cũng phải chọn ra những đề
cương hội đủ ba phẩm chất nói trên. Những để cương được lựa chọn này, hơn thế,
thường là những đề cương phù hợp với những quy tắc bất thành văn của các hội đồng
xét duyệt. Mục đích của bài viết này là cung cấp và giải thích cho bạn những
quy tắc này để giúp bạn trong quá trình viết đề cương nghiên cứu.
1. Thu hút sự chú ý của
người đọc
Trong khi cấu trúc của một bản đề
cương nghiên cứu thường không cố định, bạn cần nhớ rằng khi đọc bất kỳ một bản
đề cương nghiên cứu nào, hội đồng xét duyệt cũng muốn trả lời ba câu hỏi sau:
- Điều gì mới có thể
rút ra từ nghiên cứu này? (Đóng góp mới của nghiên cứu)
- Tại sao điều này lại
cần thiết? (Tính cần thiết của để tài)
- Làm sao có thể kiểm
tra được là kết quả có đúng hay không? (Tính chính xác của nghiên cứu)
Trong điều kiện thời gian thường rất
eo hẹp, thành viên của hội đồng thẩm định nói chung hiếm khi có đủ thời gian
nghiền ngẫm kỹ bài viết để từ đó tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Như
vậy có nghĩa là bạn phải bạn phải viết những gì bạn cần viết một cách ngắn gọn,
trực tiếp và giàu sức thuyết phục.
Ngay trong đoạn văn, hoặc ít nhất là
trong trang đầu tiên của bài viết bạn phải làm sao thu hút được sự chú ý của
người đọc, và đây thực sự là cơ hội hiếm hoi để bạn nhấn mạnh (thậm chí có thể
hơi cường điệu hóa) vấn để nghiên cứu của bạn.
Phát biểu câu hỏi một cách rõ ràng thường
là một cách rất tốt để bắt đầu một bản đề cương nghiên cứu, ví dụ: "Tôn trọng
quyền sở hữu tư nhân có phải là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế thị
trường hay không?", "Chính sách phổ cập tiểu học ở Việt Nam có tác động
đến tăng trưởng kinh tế như thế nào?", "Quá trình chuyển đổi kinh tế
của các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu nên được tiến hành từng bước hay theo
liệu pháp sốc?". Đây là những câu hỏi tốt, không phải vì chúng có tính hoa
mỹ hay khoa trương, mà chính là vì chúng chưa có câu trả lời dứt khoát, và đó
cũng là lý do mà bản đề cương nghiên cứu của bạn có thể có giá trị học thuật và
thực tế nhất định.
Một cách khác để bắt đầu bản đề cương
nghiên cứu là phát biểu luận điểm, giả thiết, hay diễn giải chính của công
trình nghiên cứu, ví dụ: "Công nhân không tổ chức nghiệp đoàn, mà trái lại
nghiệp đoàn tổ chức công nhân", "Sự thành công và thất bại của cuộc cách
mạng Corazon Aquino xuất phát từ nguồn gốc giai cấp trung lưu của nó", hay
là "Tăng trưởng dân số đi kèm với sự thu hẹp diện tích canh tác đe dọa khả
năng an toàn thực phẩm của khu vực Bắc Phi trong thập niên tới".
Tất nhiên không phải câu hỏi hay luận
điểm chính của bất kỳ một dự án nghiên cứu nào cũng có thể gói gọn trong khuôn
khổ của một đoạn văn. Đôi khi vấn đề chính của dự án nghiên cứu chỉ có thể được
làm rõ bằng cách phát triển lập luận một cách tuần tự. Nhưng bạn cần lưu ý rằng
ngay cả khi bạn sử dụng phương pháp này thì bạn cũng phải làm thế nào để sau
khi các thành viên trong hội đồng đọc bài của bạn (tất nhiên là cùng với rất
nhiều bài viết khác), họ sẽ có một ấn tượng nhất định nào đó về bài viết, hoặc
thậm chỉ một vài chi tiết chủ chốt nào đó. Ví dụ bạn muốn các thành viên nhớ về
bạn như "Cô ta là người lập luận rằng Argentina chưa từng có truyền thống
dân chủ tự do" chứ không phải là "ừ đúng rồi, cô ta đến từ
Chicago."
2. Viết rõ ràng và mạch
lạc
Bạn cần biết một thực tế là hầu hết
các đề cương nghiên cứu sẽ được các thành viên thuộc các chuyên ngành khác nhau
đọc, và khi ấy nếu nghiên cứu của bạn không thuộc chuyên ngành của một thành
viên nào đó thì thành viên này ít nhất cũng chờ đợi một các gì đó tương đối gần
gũi và quen thuộc với họ. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng nhiều khi các thành
viên của hội đồng xét duyệt nhận lời làm công việc này chỉ vì họ muốn có cơ hội
được tiếp cận với những tiến bộ mới của các môn học khác thông qua các bài viết
rõ ràng và minh bạch (và nhiều khi đó cũng là phần thưởng lớn nhất dành cho họ!).
Vì vậy, bạn không nên tìm cách "qua mắt" những độc giả đặc biệt này bằng
cách dùng những thuật ngữ chuyên môn quá chuyên biệt mà chỉ có người trong
ngành mới hiểu – trừ trường hợp không thể làm khác được. Tương tự như vậy, những
phần có tính kỹ thuật phức tạp nên được để xuống phần phụ lục.
3. Xác lập bối cảnh của
dự án nghiên cứu
Bản đề cương nghiên cứu của bạn không
những phải chỉ rõ những điều gì người đọc có thể rút ra từ bài nghiên cứu mà
còn phải chứng minh được rằng điều này không phải là một thực tế hiển nhiên. Vì
vậy phần tóm tắt hiện trạng nghiên cứu và phần thư mục tài liệu tham khảo trở
nên vô cùng trọng yếu và không thể thiếu được. Phần tóm tắt tình trạng nghiên cứu
hiện thời không nhất thiết phải viết dưới dạng "điểm văn" (literature
review) mà có thể tập trung trực tiếp ngay vào vấn đề cụ thể trong nghiên cứu của
bạn và vào những kiến thức mới mà nghiên cứu của bạn sẽ mang lại. Các hội đồng
thẩm định thường rất coi trọng phần "Tài liệu tham khảo" vì họ cho rằng
phần này thể hiện tính nghiêm túc và khả năng nắm bắt cũng như cập nhật kiến thức
mới của nhà nghiên cứu. Bạn nên dành thời gian đọc qua một số tài liệu hướng dẫn
các nguồn tư liệu tham khảo như "Dissertation Abstracts International and
Social Science Periodical Index". Một số ngành có điểm báo hàng năm (chẳng
hạn như "Annual Review of Anthropology") cung cấp những thảo luận mới
nhất và đặc biệt - rất dồi dào tư liệu tham khảo. Một số ngành khác lại thậm
chí có điểm báo theo định hướng cho chuyên ngành của mình, ví dụ như
"Review of Economic Literature" và "Contemporary
Sociology". Bên cạnh đó cũng có một số hướng dẫn về tư liệu tham khảo theo
định hướng chủ đề nghiên cứu, chảng hạn như: "Handbook of Latin American
Studies", "International African Bibliography", v.v. Việc làm
quen với những tài liệu loại này có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời
gian quý báu. Nếu bạn chưa tưng biết đến những nguồn tư liệu tương tự cho
chuyên ngành của mình, hãy hỏi các giáo sư, các bạn đồng môn, và các chuyên viên
thư viện ở trường của bạn.
4. Giá trị của dự án
nghiên cứu?
Việc đánh giá hoạt động nghiên cứu
trong từng ngành cũng có thể rất khác nhau. Một số học giả có khuynh hướng bị
"lung lay" bởi những phát biểu đại loại như "đây là điều chưa từng
được nghiên cứu cho đến này". Ví dụ, một nhà sử học có thể cho rằng chưa
có một cuốn sách nào viết về một sự kiện cụ thể nào đó, và vì vậy đề tài nghiên
cứu của vị này là cần thiết; trong khi một số nhà sử học khác lại có thể chỉ ra
những lý do xác đáng lý giải tại sao những nghiên cứu về sự kiện này lại chưa
xuất hiện. Nêu bật tầm quan trọng của sự kiện cũng có thể là một cách thuyết phục
độc giả tốt, chẳng hạn như nói rằng một sự kiện nào đó là "bước ngoặt lịch
sử" hay "bước đột phá", hoặc cá nhân nào đó là "nhân vật
trung tâm" v.v. Nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện đang xảy ra cũng
là một cách hay, chẳng hạn như: sự củng cố nền dân chủ ở Nam Phi, sự lão hóa
dân số ở các nước công nghiệp, sự suy giảm một cách tương đối quyền thống trị của
Hoa Kỳ trong nền kinh tế và chính trị thế giới. Điều thiết yếu là phải thuyết
phục được độc giả rằng các chủ đề này không chỉ thuần tuý mang tính thời sự mà
thực sự cấp thiết, có liên quan tới những vấn đề cơ bản và lâu dài.
Đối với nhiều nhà khoa học xã hội,
quan tâm về lý thuyết là một trong những phẩm chất quan trọng của nhà khoa học,
và điều này góp phần nói lên giá trị của họ. Lý thuyết ở đây không nhất thiết
phải dựa trên cơ sở của một hệ tiền để như đối với những khoa học tự nhiên. Tuy
nhiên lý thuyết mà bạn xây dựng cần được xác lập trong một bối cảnh có liên
quan mật thiết với cuộc sống, với những tranh luận đang xảy ra. Bài viết của bạn
phải có khả năng giúp người đọc xác định được ranh giới của vấn đề, và nơi vấn
đề nghiên cứu ăn nhập với các tranh luận lý thuyết hiện xảy ra trong lĩnh vực
nghiên cứu của bạn; đồng thời cần chỉ rõ làm thế nào nghiên cứu của bạn kiểm chứng
được những lý thuyết hiện có, hay giúp đưa ra các giả thuyết khác. Một bản đề
cương nghiên cứu có giá trị cần thể hiện được sự am hiểu các góc độ tiếp cận
khác nhau và trên cơ sở đó trình bày quan điểm của mình.
5. Sử dụng cách thức tiếp
cận mới
Bạn có thể sử dụng những chuyện gây
kinh ngạc, những câu hỏi hóc búa và những nghịch lý làm phương tiện để thuyết
phục những thành viên hội đồng có thiên hướng đòi hỏi vấn đề nghiên cứu phải được
trả lời bằng việc xây dựng các mô hình một cách có hệ thống hoặc bằng việc xây
dựng các lý thuyết chính tắc. Ví dụ: "Chúng ta thường cho là " một đại
nghiệp đoàn" – khẩu hiệu của phong trào công nhân – sẽ đóng vai trò
quyết định trong chiến dịch bãi công và đòi tăng lương cho công nhân. Tuy
nhiên, các số liệu thống kê lại cho thấy điều ngược lại: nghiệp đoàn mạnh không
những sẽ không đứng ra tổ chức bãi công, mà còn góp phần hạn chế yêu sách đòi
tăng lương của công nhân."
Bài viết của bạn, nếu có thể, nên giúp
người đọc hiểu được nguồn gốc của ý đồ nghiên cứu. ý tưởng nghiên cứu có thể xuất
phát từ bản thân lịch sử phát triển của các ngành khoa học, của cuộc sống sinh
hoạt học thuật đương đại của một đất nước hay một khu vực. Điều này thường có lợi
vì các thành viên của hội đồng xét duyệt thường đến từ nhiều vùng hoặc nước
khác nhau, với các truyền thống, trường phái và quan điểm học thuật nhiều khi
không đồng nhất. Vì vậy, nếu bạn có thể làm rõ mối liên hệ giữa và tương tác giữa
các truyền thống và trường phái này thì bạn sẽ có thể gây ấn tượng mạnh và rất
tốt đối với các thành viên của hội đồng. Trên thực tế, cơ hội được thực mục sở
thị sự phát triển của khoa học là một động cơ lớn khiến các thành viên của hội
đồng chấp nhận công việc hết sức vất vả này.
Bạn cũng cần biết rằng những chủ đề
"nóng" bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, và
điều này có nghĩa là mức cạnh tranh ở các đề tài này cũng gay gắt hơn. Khi ấy,
chỉ khi bạn có một đóng góp mới thực sự có giá trị thì bạn hãy nên lao vào
trung tâm của "cơn xoáy lốc học thuật" này, bằng không tốt nhất là
hãy nên tìm một chỗ ở ngoại vi mới mẻ và "thoáng đãng" hơn.
6. Mô tả phương pháp
nghiên cứu
Những chuẩn mực về phương pháp nghiên
cứu thường có tính đặc thù cho từng ngành khoa học, và thậm chí tương đối đa dạng
ngay trong bản thân một ngành khoa học. Tuy nhiên tất cả các phương pháp nghiên
cứu khoa học đều có hai điểm chung, và hai điểm này cần được thể hiện trong bản
đề cương nghiên cứu của bạn. Thứ nhất, bạn phải xác định rõ các thao tác nghiên
cứu cần thiết và cách thức bạn diễn giải kết quả của những thao tác này trên
phương diện của vấn đề chính trong nghiên cứu của bạn. Nói cách khác, không những
mục tiêu của dự án nghiên cứu cần được phát biểu một cách rõ ràng, mà cách thức
làm thế nào để đạt được mục tiêu đó cũng phải được làm rõ. Thứ hai, một phương
pháp nghiên cứu không chỉ là một danh sách dài dằng dặc bao gồm những công việc
nghiên cứu cụ thể, mà hơn thế, nó phải lý giải được tại sao chuỗi công việc này
lại cấu thành nên phương án khả thi tốt nhất để đạt được mục tiêu đã định ban đầu.
Quá trình thu thập dữ liệu và sau đó
diễn giải kết quả thường tuân theo những chuẩn mực nhất định đối với từng
ngành. Và vì vậy nhà nghiên cứu cần làm rõ đâu là những chuẩn mực chung của
ngành khoa học, và đâu là những điểm sáng tạo mới của nhà nghiên cứu. Bạn cần
viết rất chi tiết về cách thức thu thập dữ liệu và thông tin, về các kỹ thuật
được sử dụng để phân tích chúng, về các phép kiểm tra tính hợp lý của các giả
thiết nghiên cứu. Trong số các dự án không được chấp nhận, phần lớn là do những
dự án này không chỉ rõ được những công việc cụ thể nào mà nhà nghiên cứu sẽ thực
sự tiến hành, và đây là bài học mà bạn nên rút ra cho bản thân mình từ thất bại
của những người khác.
7. Các nghiên cứu có
tính chất so sánh thường dễ gây được sự chú ý của hội đồng.
Thực
ra hầu hết các nghiên cứu đều ít nhiều có tính so sánh, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Làm nổi bật tính so sánh này sẽ làm tăng giá trị khoa học cho công trình nghiên
cứu của bạn. Trong khi đánh giá các đề cương nghiên cứu thuộc loại này, hội đồng
xét duyệt thường để ý xem liệu các tình huống bạn lựa chọn có thể hiện được những
điểm giống và khác giữa nghiên cứu của bạn với các nghiên cứu khác hay không,
và những điểm so sánh này có làm nổi bật và giúp trả lời câu hỏi chính hay
không.
Nếu nghiên cứu của bạn đòi hỏi những
kiến thức chuyên môn hoặc kỹ thuật sâu thì bạn phải chứng tỏ được rằng mình có
sự chuẩn bị chu đáo về những lĩnh vực này: hoặc là bản thân bạn có khả năng
chuyên môn ấy, hoặc là bạn có cộng sự là nhà chuyên môn. Chẳng hạn như nếu đề
tài của bạn nghiên cứu về ảnh hưởng của ngôn ngữ của dân tộc Kinh tới ngôn ngữ
của người Mèo ở khu vực miền núi các tỉnh phía Bắc thì bạn phải chứng minh được
là hoặc bạn, hoặc là cộng sự của bạn thực sự am hiểu ngôn ngữ của người Mèo ở
các khu vực ấy.
8. Phát biểu mục tiêu
nghiên cứu
Giống như một bản xô-nát, một bản đề
cương nghiên cứu hoàn chỉnh, thường kết thúc bằng việc hồi chiếu lại chủ đề
chính ban đầu. Quy trình và sản phẩm nghiên cứu cuối cùng có quan hệ như thế
nào đối với câu hỏi chính của dự án nghiên cứu? Làm thế nào để có thể kiểm tra
kết luận của bạn? Vấn đề quan trọng ở đây là làm thế nào để thuyết phục được
người đọc rằng nghiên cứu của bạn là một nghiên cứu chân thực và nghiêm túc, rằng
có không nhằm chứng minh một kết luận đã bị ngộ nhận từ trước, và nhất là
nghiên cứu này thực sự mang lại những hiểu biết mới cho khoa học.
Đề cương nghiên cứu thường nên nêu rõ
sản phẩm của dự án nghiên cứu sẽ được "trình làng" dưới hình thức
nào: Một (hay một vài) bài báo trên các tạp chí khoa học, một cuốn sách, một
chương, hay một bản luận án khoa học, v.v.
Nếu
bạn đã có kế hoạch cụ thể thì bạn nên nói rõ kế hoạch này, chẳng hạn như bạn sẽ
đăng bài trên tạp chí nào, đối tượng độc giả bạn muốn hướng tới là ai v.v. vì
có nhiều nghiên cứu do tính chuyên sâu đặc thù chỉ phù hợp cho một số đối tượng
độc giả rất hạn chế.
Trước và trong khi lập kế hoạch và viết
phác thảo cho bản đề cương nghiên cứu, bạn cần nghiên cứu kỹ những chỉ dẫn cụ
thể về quy trình, thủ tục, hình thức v.v. của các đề cương nghiên cứu do hội đồng
xét duyệt yêu cầu. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn hãy liên hệ ngay với bạn thư
ký của hội đồng xét duyệt để nhận được câu trả lời chính thức.
9. Ghi chú cuối cùng
Để viết được một bản để cương nghiên cứu
có chất lượng cao đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy hãy bắt tay
vào việc sớm. Hãy bắt đầu suy nghĩ về chủ đề nghiên cứu của bạn trước khi bạn
thực sự bắt tay vào việc nghiên cứu, và hãy tạo cho mình một thói quen thu thập
tài liệu tham khảo cho các dự án nghiên cứu trong tương lai ngay trong khi bạn
thực hiện các dự án nghiên cứu khác.
Bạn hãy cố viết bản nháp đề cương lần
đầu ít nhất là 3 tháng trước thời hạn, sau đó sửa chữa, bổ sung, nhờ bạn bè, đồng
nghiệp đọc và cho nhận xét. Sau đó sửa lại bài viết căn cứ vào những góp ý này.
Nếu có cơ hội, hãy trình bày ý tưởng của bạn trong các cuộc hội thảo hoặc hội
nghị khoa học. Những thảo luận tại những cuộc hội họp như thế này giúp bạn nhận
ra những điểm mạnh, điểm yếu trong dự án nghiên cứu của mình. Hơn thế, nó còn
giúp bạn biết được phản ứng của người đọc và người nghe đối với dự án nghiên cứu
của bạn. Sau đó, tiếp tục sửa lại bản đề cương. Hãy chú ý đến ngôn từ, kiểu
cách và hình thức trình bày, và nhất là hãy cố gắng mài dũa đoạn văn mở đầu hay
trang đầu bài viết của bạn cho thật hoàn hảo.
cách làm đẹp
Trả lờiXóa